Tổng quan về hoa lan
Hoa lan thuộc một trong những họ thực vật lớn nhất hiện nay, được phân bố khắp mọi nơi trên thế giới và được người châu Á gọi là Vương giả chi hoa. Vì yêu thích cái đẹp của hoa lan, nhiều cá nhân đã tìm tòi nghiên cứu cách trồng hoa lan và lai tạo ra rất nhiều cá thể lan đột biến, điều này góp phần phong phú thêm chủng loại và số lượng lan trên toàn thế giới.
Tính đến nay, người ta đã thống kê được rằng có khoảng 25.000 loài lan khác nhau. Mỗi loại có một đặc điểm riêng, loại hoa lan nhỏ nhất có kích thước chỉ bằng hạt gạo trong khi đó loại lớn nhất có đường kính đến 1m; mùi hương cũng rất đa dạng, có loại tỏa ra mùi thơm rất đặc trưng như loài vanilla, bên cạnh đó cũng có loài tỏa ra mùi thịt ôi thiu nhằm hấp dẫn côn trùng.
Cấu tạo của hoa lan
Cấu tạo chung của hoa lan gồm 4 thành phần: đài hoa, cánh hoa, môi hoa, cuống hoa.
- Đài hoa: là bộ phận ở giữa cánh hoa và cuống hoa. Đài hoa bám chặt vào cuống hoa bên dưới và xòe ra để nâng đỡ cánh hoa bên trên. Đài hoa của tất cả các loại lan đều có 3 lá đài được xếp đều nhau. Mỗi chủng loại sẽ có hình dạng đài hoa khác nhau, ví dụ như Ascocentrum thì phần đài hoa có hình tròn, còn Cattleya thì có đài hoa nhọn. Vì nằm ở vị trí kẹp giữa cánh hoa và cuống hoa nên đài hoa ít nhận được sự chú ý của giới chuyên môn, ngoại trừ một số loại hoa lan đặc biệt như Vanda Coerulea, Vanda Onomea, Vanda Thananchai… chúng có đài hoa to, dài, tròn và màu sắc cũng rất ấn tượng.
- Cánh hoa: Những cánh hoa lan chính là thành phần quan trọng nhất, nó thể hiện nét đẹp của hoa lan và cuốn hút người xem, mỗi bông hoa lan sẽ có 3 cánh hoa và một trong số chúng sẽ biến thành môi hoa.
Thông thường hoa lan sẽ có hai cánh hoa bằng nhau nhưng đôi khi chúng cũng có sự chênh lệch nhỏ, điều này phụ thuộc vào cách trồng và chăm sóc hoa lan.
- Môi hoa: được tạo thành từ một trong ba cánh hoa, nó quyết định kết quả của việc thụ phấn có thành công hay không. Môi hoa là nét đặc trưng nhất của hoa lan, đó cũng chính là cơ sở để phân biệt các giống lan với nhau, bạn sẽ không thể tìm thấy hai giống lan khác nhau có hình dạng môi hoa giống nhau.
- Cuống hoa: nằm bên dưới đài hoa, có nhiệm vụ như chống đỡ các thành phần bên trên. Đây cũng là nơi chứa hai bộ phận sinh dục đực và cái của hoa lan. Phần đực mang phấn hoa dùng để thụ tinh còn phần cái có chất nhầy với chức năng bám dính các hạt phấn rơi vào bên trong nó để dễ dàng thực hiện quá trình thụ phấn ở hoa lan.
Xem thêm: Những loại béc phun sương tưới lan tốt nhất hiện nay
Cách trồng hoa lan và những thứ cần chuẩn bị
Chuẩn bị ban đầu
- Thiết kế vườn lan: Hoa lan là loại cây có khả năng chịu nắng rất kém, nếu trồng hoa lan trên ban công, mái hiên hay sân thượng cần phải kết hợp với các loại cây khác để tạo bóng mát, giảm bớt sự khô nóng và sử dụng các loại lưới che để hạn chế ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào lan. Hoa lan ưa thích môi trường thoáng mát nên thường được trồng bằng phương pháp treo, có thể tạo giàn để treo lan bằng cách giăng dây cáp, kẽm hoặc bắt những thanh sắt ngang ở độ cao khoảng 2m. Khoảng cách giữa các đường treo chậu lan nên vào khoảng 0.8m – 1.2m. Sau khi tạo giàn treo có thể trải lưới chống nắng lên ngay phía trên và buộc chặt vào giàn.
- Lựa chọn giống lan phù hợp: nếu mới trồng có thể chọn loại lan vũ nữ, lan hồ điệp, lan Dendrobium… đây là những chủng loại không yêu cầu kỹ thuật chăm sóc cao, dễ thích nghi với môi trường xung quanh nên rất dễ trồng.
- Lựa chọn chậu phù hợp: chậu để trồng lan có thể sử dụng chậu đất nung, chậu sứ, chậu nhựa, chậu composite… quan trọng là xung quanh chậu phải có nhiều lỗ để rễ lan có thể tiếp xúc với không khí một cách tốt nhất.
- Chọn giá thể cho hoa lan: điểm đặc biệt của hoa lan là không được trồng trong đất mà trồng trên các giá thể – là nơi lan bám rễ vào và hút chất dinh dưỡng. Bạn có thể chọn một trong các vật liệu sau để làm giá thể cho lan: thân cây hoặc vỏ cây cũ, xơ dừa, than đen.
Cách trồng hoa lan
Dưới đây là cách trồng hoa lan do Vina Vườn tổng hợp:
- Cho giá thể vào khoảng 1/5 chậu, nên chọn những giá thể có kích thước lớn đặt dưới phần đáy trước, giá thể có kích thước vừa và nhỏ đặt ở giữa và phía trên. Luôn đảm bảo lượng giá thể trong chậu thấp hơn so với mép chậu từ 1 – 2 cm.
- Nếu trồng loại lan đa thân thì nên cắm cọc nhỏ ở mép chậu, còn với loại lan đơn thân thì cắm ở giữa chậu. Cọc này có mục đích là để giúp cành lan đứng vững vì nó khá mỏng manh, yếu ớt. Sau đó, dùng dây buộc lan vào cọc sao cho hướng phát triển của cành luôn hướng vào giữa chậu.
- Khi trồng, không cho gốc cây nằm ở sát đáy chậu và chỉ để lưng chừng giữa lớp giá thể. Trên mặt nên phủ một lớp xơ dừa hay dớn để tăng độ ẩm cho cây. Đối với cây mới trồng nên che nắng, giảm ánh sáng, đến khi rễ non phát triển thì mới chuyển dần sang nơi có ánh sáng tốt hơn.
Cách chăm sóc lan chuyên nghiệp
- Chiếu sáng: lựa chọn nơi mát mẻ, không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, xem xét giống lan và độ tuổi của chúng để thiết kế giàn che thưa hay dày. Đối với những cây lan còn non, sức sống chưa tốt thì nên dùng hai lớp lưới che để giảm tối đa độ nóng từ ánh nắng mặt trời. Một số giống lan chuyên sống trong rừng như lan Hoàng Thảo do luôn được che chắn bởi các tán cây cao to, rậm rạp nên cũng không chịu được ánh nắng mặt trời, cần phải được che chắn cẩn thận.
- Bón phân: cung cấp đầy đủ các nguyên tố đa lượng, trung lượng và vi lượng cho hoa lan. Bón phân bằng phương pháp phun, liều lượng mỗi lần không quá nhiều và phải thực hiện thường xuyên.
- Tưới nước: chọn cách tưới phun sương để bảo vệ cho hoa lan không bị tổn hại đồng thời hạn chế nước tránh tình trạng úng rễ. Nên sử dụng hệ thống tưới tự động để cây lan được tiếp nước đều đặn.
- Cắt hoa tỉa cành: Khi hoa đã tàn và có cành lá sắp chết thì nên cắt bỏ để tập trung dinh dưỡng cho các bộ phận khác.
Giá trị của hoa lan
Hoa lan có rất nhiều chủng loại, mỗi loại mang những giá trị riêng của chúng và không thể chỉ dùng từ “đẹp” là có thể đánh giá hết được. Sau đây hãy cùng Vina Vườn điểm qua những yếu tố mang lại giá trị của hoa lan:
- Mùi hương: Không phải loài lan nào cũng có hương thơm, tuy nhiên hoa lan có thể tỏa ra hương thơm sẽ được ưa thích hơn những loại khác. Những người chơi lan chuyên nghiệp thường đánh giá rất cao các chủng loại lan có mùi hương thoang thoảng, không quá nồng, gắt, giúp chúng ta cảm thấy thư giãn và thoải mái. Trong một số trường hợp, cách trồng hoa lan cũng ảnh hưởng đến mùi hương của chúng.
- Màu hoa: Những màu sắc cơ bản của hoa lan thường là trắng, tím hoặc vàng nhạt. Một số giống lan đột biến hoặc được cấy ghép, lai tạo sẽ có màu sắc đặc biệt hơn. Màu sắc của hoa lan càng hiếm gặp thì giá trị kinh tế càng cao.
- Hình dạng: Hoa lan có kích thước càng to thì càng được ưa thích, nó thể hiện rõ nét vẻ đẹp của hoa lan, giúp ta có thể dễ dàng ngắm nhìn vườn lan từ xa. Tuy được ưa thích nhưng những loại lan này chưa hẳn đã có giá trị cao ví dụ như lan Hồ Điệp bởi vì số lượng của chúng rất nhiều, dễ trồng và dễ chăm sóc. Những giống lan có lá nhỏ và mọc thành chùm lại có giá trị kinh tế cao hơn vì khả năng sống của chúng rất thấp, rất khó lai tạo và chăm sóc cho đến khi chúng ra hoa.
- Sức khỏe: đây là yếu tố không thể nhận biết rõ ràng nhưng lại rất quan trọng để đánh giá chất lượng của một chủng loại hoa lan. Hoa lan thường có thời gian ra hoa rất lâu, có những cây phải kiên trì chăm sóc đến một năm mới bắt đầu kết thành những bông hoa đầu tiên. Chính vì thế ai cũng mong muốn những chậu hoa lan của mình có sức khỏe thật tốt để có thể duy trì các đợt hoa quanh năm. Một cây lan khỏe thường sẽ có thân và rễ to hơn bình thường, bên trong thân và rễ cây sẽ dự trữ rất nhiều chất dinh dưỡng giúp cây duy trì sự sống tốt. Cách thức ra hoa của một cây lan cũng bị ảnh hưởng bởi sức khỏe của chính cây lan đó. Nếu hoa lan khỏe mạnh thì chúng sẽ kết thành những chùm hoa dài liên tục, mang lại giá trị rất lớn.
Các loại hoa lan và ý nghĩa của chúng
Lan là loài hoa biểu tượng cho sự quý phái, sang trọng, lòng chân thành, sự thuần khiết, thanh lịch và trí tuệ. Ý nghĩa của hoa lan thường đi kèm với màu sắc của chúng, cụ thể như sau:
- Hoa lan trắng: đại diện cho sự tôn kính và khiêm nhường, thuần khiết và trong trắng.
- Hoa lan tím: tượng trưng cho sự ngưỡng mộ, tôn trọng và sự quý phái.
- Hoa lan vàng: biểu tượng cho tình bạn, niềm vui và sự tốt lành.
Bên cạnh màu sắc, các loại lan còn có những ý nghĩa riêng như:
- Lan hồ điệp: thể hiện cho sự giàu có, thịnh vượng, may mắn và tài lộc, cho nên chúng ta thường thấy những chậu lan hồ điệp được trao tặng trong các buổi lễ khánh thành, khai trương các buổi tiệc lớn.
- Lan mokara: mang vẻ đẹp cao sang, thanh cao và đại diện cho sự vươn lên mạnh mẽ và nỗ lực không ngừng. Vì thế nếu muốn động viên ai đó thì một chậu lan mokara sẽ là quyết định sáng suốt.
Những câu hỏi thường gặp
Có bốn yếu tố chủ yếu để có thể định giá một giống lan là: Mùi hương, màu sắc, hình dạng, sức khỏe. Bên cạnh đó còn có những khía cạnh đánh giá khác nhưng nhìn chung đều bắt nguồn từ các yếu tố trên.
Các loại giá thể phổ biến mà mọi người hay dùng để trồng lan là: than lỗ, vỏ dừa, thân cây, vỏ cây.
Lan là giống cây ưa ẩm, vì thế cần lưu ý không để lan tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, đồng thời tưới nước đều đặn và nhiều lần trong ngày.
Từ khi nách lá hé ra nụ hoa cho đến khi hoa lan nở rộ hoàn toàn cần tối thiểu là một tháng.
Nếu bạn là người mới bắt đầu, Vina Vườn cho rằng nên trồng các giống lan dễ trồng như lan vũ nữ, lan hồ điệp, lan dendrobium.