Công trình xanh là gì?

Công trình xanh (hay còn được gọi là công trình thân thiện với môi trường) là sự vận dụng các tiêu chí tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường vào quá trình thiết kế kiến trúc cho công trình. Tiêu chí này được sử dụng xuyên suốt các giai đoạn của dự án: từ lúc lên kế hoạch thiết kế, xây dựng, hoạt động, bảo trì, cải tạo và phá huỷ. Kiến trúc sư, kỹ sư và chủ đầu tư phải phối hợp cực kỳ chặt chẽ để có thể hoàn thành một công trình xanh.

Lợi ích của công trình xanh

Môi trường

  • Tiết kiệm tài nguyên, năng lượng: các giải pháp công trình xanh như sử dụng năng lượng mặt trời, chiếu sáng, thông gió tự nhiên làm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Tuần hoàn tái sử dụng nước thải xám (nước thải của quá trình lau dọn, chùi rửa), nước mưa cho việc xả nhà vệ sinh, tưới tiêu, v.v. 
  • Chống xói mòn bằng cách quản lý nước mưa: thiết kế hệ thống thu nước mưa, ống dẫn nước mưa, ngăn thu nước mưa dự phòng khi mưa lớn để chống tràn, chống ngập, giảm thiểu việc xói mòn bề mặt công trình, rửa trôi đất trồng.
  • Giảm khí thải: sử dụng năng lượng sạch giúp giảm khí thải độc hại. Mật độ cây xanh nhiều làm giảm hiệu ứng nhà kính trong giai đoạn vận hành công trình.
  • Điều hòa nhiệt độ: đặc tính giữ nhiệt của các tòa nhà cao tầng và vật liệu xây dựng như bê tông hay nhựa đường là nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Công trình xanh có thể giải quyết vấn đề này nhờ tối ưu thiết kế, giảm bức xạ nhiệt, trồng nhiều cây xanh trong khu vực xây dựng.
  • Giảm rác thải: quản lý, phân loại, tái sử dụng nguyên vật liệu, đảm bảo lượng rác thải mang đi chôn lấp là tối thiểu.
Mot vi du ve cong trinh xanh
Một ví dụ về công trình xanh

Kinh tế

  • Giảm chi phí vận hành và bảo trì: nhờ vào thiết kế và công nghệ xanh, chi phí vận hành của công trình sẽ giảm đáng kể, qua đó bù lại nhanh chóng cho các chi phí đầu tư trong quá trình xây dựng của dự án và đảm bảo tiết kiệm về lâu dài. Theo ước tính, ở Việt Nam một công trình nếu xây dựng theo xu hướng “xanh” thì chi phí xây dựng sẽ đội lên từ 5 đến 15% so với công trình thông thường. Tuy nhiên trong quá trình vận hành, một công trình xanh sẽ tiết kiệm được từ 20 đến 30% năng lượng tiêu thụ. Do đó, chỉ sau 4 đến 5 năm vận hành, số tiền tiết kiệm có thể bù đắp vốn đầu tư ban đầu. Chi phí vận hành được giảm nhờ vào việc tối ưu hóa năng lượng sử dụng và tận dụng tối đa các nguồn năng lượng tự nhiên như ánh sáng, gió, v.v. Qua đó sẽ cắt giảm được nguồn điện tiêu thụ và chi phí xây dựng các hệ thống xử lý ô nhiễm cũng được cắt giảm tối đa.
  • Nâng cao năng suất làm việc và học tập: các biện pháp thiết kế của một công trình xanh luôn chú trọng sử dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên đã giúp người sử dụng luôn có cảm giác thoải mái, dễ chịu. Theo nghiên cứu của Dailey (2013), chất lượng không khí trong nhà tốt có thể cải thiện đến 18% năng suất lao động, tăng khả năng ghi nhớ và kích thích khả năng sáng tạo của não bộ.
  • Tăng giá trị cho công trình: nhờ sự đầu tư nghiêm túc từ khâu lên ý tưởng và thiết kế ban đầu, công trình xanh sau khi xây dựng đều có tính thẩm mỹ khá cao. Hơn nữa, việc quan tâm đến vị trí xây dựng và hệ sinh thái nên nhận được sự ủng hộ của công chúng đối với công trình. Thương hiệu công trình xanh giúp tạo sự khác biệt trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và biến đổi khí hậu đang được quan tâm.

Xã hội

  • Cải thiện sức khỏe cộng đồng: ở các thành phố lớn, việc sống và làm việc trong môi trường đóng kín cửa, sử dụng điều hòa không khí và ánh sáng nhân tạo rất phổ biến, điều này là nguyên nhân chủ yếu gây ra các chứng bệnh như đau đầu, chóng mắt, hay mệt mỏi và thậm chí là trầm cảm. Công trình xanh sẽ giải quyết được vấn đề nan giải này bằng các giải pháp như tận dụng ánh sáng tự nhiên, sử dụng nội thất không độc hại, sử dụng hệ thống thông gió để cấp gió tươi giúp giảm nồng độ CO2 trong không khí.
  • Tạo lối sống và giải trí lành mạnh: một trong các tiêu chí được khuyến khích là ưu tiên sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường khi di chuyển trong công trình như xe đạp hay xe điện, không chỉ có thể bảo vệ môi trường mà còn cải thiện sức khỏe cộng đồng
Cong trinh xanh tai Nhat Ban
Công trình xanh tại Nhật Bản

Điểm đặc trưng của công trình xanh

  • Năng lượng, nước và các tài nguyên khác phải được sử dụng hiệu quả bằng các giải pháp tiết kiệm, tái sử dụng.
  • Thay vì sử dụng nguồn năng lượng thông thường như điện năng, công trình xanh phải sử dụng các năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời, năng lượng gió,…
  • Có quy trình xử lý rác thải triệt để trong quá trình xây dựng lẫn hoạt động mà không gây ô nhiễm môi trường.
  • Các vật liệu sử dụng cho công trình phải là các vật liệu không độc hại và độ bền cao để hạn chế đào thải ra bên ngoài.
  • Môi trường bên trong của công trình phải có chất lượng không khí đảm bảo.
  • Không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi và làm việc bên trong công trình phải mang lại chất lượng cao cho người sử dụng.
  • Có khả năng thích ứng và chống lại sự biến đổi của môi trường.

Thành phần cấu tạo 

Công trình xanh bao gồm hai thành phần là kiến trúc xanh và nội thất xanh.

Kiến trúc xanh được biết đến là bộ mặt của công trình, cấu trúc và thành phần ngoại thất của tòa nhà được áp dụng các yếu tố xanh-sạch-đẹp. Các loại cây sẽ được bao phủ hầu hết bề mặt tòa nhà bằng cách xây dựng rất nhiều bồn trồng cây trên mặt đứng của công trình. Việc sử dụng xi măng quá nhiều sẽ làm diện tích đất xung quanh bị bê tông hóa, dinh dưỡng trong đất không còn đủ đáp ứng cho cây phát triển nên thay vì sử dụng xi măng và thép để đúc thành sàn và cột thì công trình xanh sử dụng đất sét và thân tre nứa cho những cấu trúc này. Để đảm bảo thực hiện được các yếu tố trên, đội ngũ kiến trúc sư và kỹ sư phải tính toán tải trọng cho toàn bộ ngôi nhà không quá lớn, đồng thời cung cấp đầy đủ đường nước tưới đến cho tất cả các vị trí trồng cây xung quanh ngôi nhà.

Nội thất xanh cũng tuân thủ theo các nguyên tắc thân thiện môi trường như:

  • Bố trí nhiều cây xanh bên tòa nhà, chủ yếu là các cây không cần nhiều ánh nắng mặt trời và có khả năng chịu hạn tốt như: trầu bà, lưỡi hổ, tuyết tùng, vạn niên thanh…
  • Sử dụng đồ dùng có nguồn gốc tự nhiên như: mây, gỗ, trúc…
  • Tái sử dụng các đồ dùng cũ như thùng phi, thùng xốp để đựng đồ, trồng cây hoặc làm bàn ghế ngồi.

Các bộ tiêu chuẩn đánh giá

LEED – Leadership in Energy & Environmental Design

LEED  là bộ tiêu chuẩn công trình xanh của Mỹ, được ban hành bởi USGBC – US Green Building Council. Đây có thể coi là bộ tiêu chuẩn phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Tuy không phải là tiêu chuẩn xuất hiện đầu tiên, nhưng nó đã nhanh chóng được chấp nhận và sử dụng rộng rãi nhờ vào việc thương mại hoá, cho phép đánh giá cung cấp chứng nhận cho các tòa nhà bên ngoài nước Mỹ.

BREEAM – BRE Environmental Assessment Method

Đây là bộ tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh xuất hiện đầu tiên trên thế giới, được ban hành bởi BRE (Building Research Establishment) của Anh. Bộ tiêu chuẩn này rất linh hoạt khi có thể phù hợp cho nhiều vùng khí hậu khác nhau. Tuy xuất hiện đầu tiên nhưng do chỉ áp dụng cho các công trình trong phạm vi Vương Quốc Anh nên không được phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Hiện BRE đang cố gắng khắc phục điểm yếu này để BREEAM được biết đến nhiều hơn.

Cong trinh xanh
Công trình xanh giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn

Green Star

Green Star là chuẩn đánh giá công trình xanh tại Úc, được ban hành bởi GBCA – Green Building Council of Australia. Cũng như BREEAM, Green Star chỉ chứng nhận cho các công trình được xây dựng trong phạm vi nước Úc, vì vậy không phổ biến ở các nước khác trên thế giới. Đây có thể xem là phiên bản BREEAM của nước Úc.

Lotus

Cùng với nhận thức về sự biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam cũng đã có bộ tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh đầu tiên được đặt tên là Lotus – Hoa sen. Bộ tiêu chuẩn này được ban hành bởi VGBC – Vietnam Green Building Council. Vì còn khá mới và chưa được phổ biến rộng rãi, bộ tiêu chuẩn này đang từng bước đi vào thực tiễn ứng dụng.

BCA Green Mark

Với tham vọng trở thành đầu tàu về công nghệ kỹ thuật của khu vực và thế giới, Singapore cũng đã rất nhanh trong việc đưa ra bộ tiêu chuẩn công trình xanh của riêng mình, tên là Green Mark, ban hành bởi BCA – Building and Construction Authority. Với bộ tiêu chuẩn này, Singapore hy vọng sẽ dẫn đầu trong việc phát triển các công trình xanh và chuẩn hóa các tiêu chí đánh giá dành riêng cho khu vực khí hậu nhiệt đới.

Các tiêu chuẩn khác

  • CASBEE – tiêu chuẩn của Nhật
  • Malaysia Green Building Index của Malaysia
  • LEED India – phiên bản LEED của Ấn Độ
  • BREEAM Gulf, BREEAM Europe – phiên bản BREEAM của các nước vùng Vịnh và Châu Âu
  • HQE – tiêu chuẩn của Pháp
  • VACEE (Hội Môi trường Xây dựng VN)

Những câu hỏi thường gặp

Công trình xanh là gì?

Công trình xanh (hay còn được gọi là công trình thân thiện với môi trường) là sự vận dụng các tiêu chí tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường vào quá trình thiết kế kiến trúc cho công trình.

Nguyên tắc cơ bản nhất để hình thành công trình xanh là gì?

Để hình thành công trình cần áp dụng hai nguyên tắc chính : thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Tại sao chi phí vận hành của công trình thấp hơn các công trình bình thường?

Công trình xanh sử dụng các nguồn năng lượng thay thế và có quy trình tái sử dụng nước nên sẽ giảm được một khối lượng lớn điện năng và nước tiêu thụ cho tòa nhà.

Thành phần chính của công trình xanh là gì?

Đó là kiến trúc xanh và nội thất xanh.

Tại sao bề mặt bên ngoài của công trình xanh ít bị xói mòn?

Công trình xanh áp dụng hệ thống thu nước mưa tối đa nên hạn chế được việc xói mòn trực tiếp của nước mưa lên bề mặt công trình.

Tại sao BREEAM là bộ tiêu chuẩn đầu tiên về công trình xanh nhưng không phổ biến?

Tuy xuất hiện đầu tiên nhưng do chỉ áp dụng cho các công trình trong phạm vi Vương Quốc Anh nên BREEAM không được phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.