Khái niệm
Tiểu cảnh là một khu vực cảnh quan có diện tích nhỏ được bố trí trong nhà, ngoài vườn, trong công ty, văn phòng, cửa hàng để giúp cho không gian sinh hoạt – làm việc bớt nhàm chán và tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Việc thi công tiểu cảnh có thể là thi công hồ nước, cụm cây xanh, hoặc kết hợp cả hai với nhau.
Lưu ý khi thi công tiểu cảnh
Hồ nước
Những tiểu cảnh dùng yếu tố chủ đạo là nước thường thấy là hòn non bộ, hồ cá, hồ nước trồng cây thủy sinh. Trước khi thi công, chúng ta phải xác định kích thước cho tiểu cảnh, 2 – 4m2 là một con số lý tưởng, nó không quá nhỏ nhưng cũng sẽ không chiếm nhiều không gian của ngôi nhà.
Kế đến là phần tạo khung bao cho tiểu cảnh, hồ cá thường được thi công âm dưới mặt đất với độ sâu không quá 1m, còn hòn non bộ thì được thiết kế nổi bên trên. Vì đây là dạng tiểu cảnh sử dụng nước nên khung bao phải đảm bảo nước không thấm hay rò rỉ a bên ngoài, hai phương pháp phổ biến để chống thấm cho hồ nước là dùng bạt chống thấm để lót xung quanh hoặc quét phụ gia chống thấm lên bề mặt hồ. Bạt lót hồ cá nên chọn loại làm từ nhựa PE chống thấm, độ dày 0.5mm, loại bạt này được người dân miền tây sử dụng để lót ao nuôi tôm nên rất phổ biến trên thị trường. Để sử dụng phụ gia chống thấm nước, trước tiên cần phải phủ lên khung bao một lớp vữa xi măng tương tự như khi xây nhà để tạo bề mặt tương đối bằng phẳng và dễ kết dính, những phụ gia chống thấm tốt có thể kể đến là Barofob, Sikament, Plastocrete…Phương pháp dùng bạt để chống thấm có ưu điểm là tiết kiệm chi phí, vật liệu dễ tìm mua và dễ thi công nhưng độ bền kém hơn và không thẩm mỹ bằng phương pháp dùng phụ gia chống thấm.
Lắp đặt đường ống dẫn nước là công đoạn tiếp theo cần phải làm khi thi công loại tiểu cảnh này. Nếu là hồ nước tĩnh thông thường không nuôi cá và tạo dòng chảy thì hệ thống cấp nước cực kỳ đơn giản, chỉ cần một đường ống dẫn nước liên tục vào hồ và một phao chống tràn lắp đặt cách miệng hồ từ 5 – 10cm. Nếu là hồ cá hay thác nước mini thì cần thêm một máy bơm nhỏ thả trực tiếp vào bên trong hồ để tạo oxy cho cá đồng thời tạo dòng chảy tuần hoàn cho hồ. Trường hợp hồ cá lớn từ 8m2 trở lên, bạn cần phải trang bị thêm hệ thống lọc cho hồ cá, còn những hồ nhỏ có thể tự vệ sinh định kỳ do đó cần phải gắn một van xả nước dưới đáy hồ để thực hiện công việc này.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ về mặt kỹ thuật, phần việc cuối cùng là trang trí cho tiểu cảnh. Hồ được trang trí bằng đá granite, đá chẻ, đá cuội, sỏi…đây là những vật có gam màu xanh xám, tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên và khi rong rêu hình thành sau nhiều ngày sử dụng cũng không làm mất đi vẻ tự nhiên của hồ. Chúng ta có thể sắp đặt đá, sỏi ngẫu nhiên hoặc đặt làm các hòn non bộ với kiểu dáng nghệ thuật, tùy theo sở thích của mỗi người. Cá nuôi trong hồ nên chọn những loại có nhiều màu sắc như cá koi, cá chép, có bảy màu…
Cụm cây xanh
Khi thi công tiểu cảnh là cụm cây xanh, chúng ta cũng phải xác định kích thước trước tiên, nếu chỉ chỉ trồng những loại hoa và cây bụi thấp thì kích thước lý tưởng là khoảng 3m2, nếu trồng xen vào cây lớn để tạo điểm nhấn và bóng mát cho tầng cây bên dưới thì cụm tiểu cảnh phải lớn hơn 5m2 nhằm đảm bảo cho rễ cây có thể phát triển thoải mái.
Tương tự như hồ nước, cụm cây xanh có thể được trồng trực tiếp dưới mặt đất hoặc xây vách cao từ 40 – 50cm để trồng, đối với trường hợp trồng bên trong nhà thì tiểu cảnh cây xanh nên được trồng trong bồn xây để đảm bảo việc thoát nước tốt hơn. Nhược điểm của việc trồng cây trong bồn là không đáp ứng được khả năng phát triển của những cây lớn do đó cần phải cân nhắc giữa phương thức trồng cây, vị trí trồng cây và chủng loại cây. Độ dốc đáy của đáy bồn là điều dễ bỏ sót khi xây bồn trồng cây, độ dốc tốt sẽ tránh được việc ứ đọng nước gây úng rễ cây. Tiếp theo là thực hiện chống thấm cho bồn cây, nếu như cụm tiểu cảnh cây xanh được thi công bên ngoài nhà thì có thể bỏ qua công đoạn này, nhưng nếu nó được lắp đặt trong nhà thì không thể bỏ qua. Bồn cây không được chống thấm tốt sẽ làm ẩm mốc tường nhà bên trong phòng, xuất hiện những vết loang lớn trên vách, lâu ngày sẽ gây mục nát rất nguy hiểm.
Để cây sinh trưởng và phát triển tốt cần phải được tưới nước đầy đủ hằng ngày, muốn như vậy phải chuẩn bị tốt hệ thống tưới cho chúng. Khi thi công tiểu cảnh ngay bên trong nhà đặc biệt là những vị trí khó chăm sóc như giếng trời hay bên ngoài cửa sổ phòng ngủ, chúng ta hay bỏ sót việc lắp đặt đường ống nước, khi đó muốn tưới cho cây cũng thực sự khó khăn và dễ làm bẩn nhà. Tốt hơn nữa là trang bị một hệ thống tưới tự động cho các cụm tiểu cảnh cây xanh, như vậy vừa tiết kiệm thời gian, sức lực và không cần phải nhớ đến việc tưới cây mỗi ngày. Đặt đường ống thoát nước cho bồn cây và dẫn vào hệ thống thoát nước thải hoặc thoát nước mưa của ngôi nhà, việc này cực kì quan trọng, nó giúp cho cụm cây xanh không bị ngập úng, nước không chảy lan tràn trên sàn nhà thậm chí là tràn vào bên trong phòng gây hư hỏng nội thất bằng gỗ.
Theo đúng kỹ thuật thi công tiểu cảnh thì tiếp theo chúng ta phải lót vỉ nhựa chuyên dụng dưới đáy bồn, tác dụng của nó là tạo khoảng hở bên dưới đáy bồn, giúp nước thoát ra dễ dàng hơn. Tiếp theo là trải một tấm vải địa kỹ thuật phủ kín lớp vỉ vừa lót, vải sẽ ngăn không cho lớp đất trồng bên trên tràn xuống đáy làm tắc nghẽn đường thoát nước, đồng thời giữ đất không bị trôi đi mỗi khi trời mưa lớn.
Thi công tiểu cảnh cây xanh ở sân vườn có thể lựa chọn cây trồng tùy ý, chỉ quan tâm đến việc phối hợp màu sắc giữa các cây là chủ yếu. Nếu là tiểu cảnh bên trong nhà thì phải cân nhắc kỹ càng hơn, cây phải có khả năng chịu được bóng mát (vì nhiều loại cây không thể sống tốt nếu thiếu ánh nắng mặt trời), ít thu hút côn trùng sâu hại, có mùi hương dễ chịu, ít rụng lá…một số loại cây thường được trồng cho các cụm tiểu cảnh là cây si, bồ đề, tùng, vạn tuế, lan ý, mồng gà…Cụm tiểu cảnh thường được thiết kế trồng thành nhiều tầng bao gồm 1 – 2 cây lớn, bên dưới là một lớp cây bụi thấp và còn lại sẽ trồng cỏ hoặc rải sỏi. Cây lớn sẽ tạo bóng mát và trở thành điểm nhấn cho cả tiểu cảnh, cây bụi có chức năng trang trí nên thường chọn các loại có nhiều màu sắc còn lớp cỏ hoặc sỏi sát mặt đất giúp cho cụm tiểu cảnh sạch sẽ hơn, ít rậm rạp tránh cho các loại động vật làm hang ổ đồng thời giữ lớp đất mặt không bị rửa trôi. Khi thi công tiểu cảnh dạng này cần lưu ý trồng cây theo thứ tự từ lớn đến nhỏ sẽ dễ dàng hơn và không bị tổn hại cây.
Tiểu cảnh kết hợp
Tiểu cảnh kết hợp sẽ bao gồm cả hai dạng hồ nước và cây xanh, quá trình thi công mỗi loại sẽ tương tự như trên, thêm vào đó chúng ta cần lưu ý những điều sau:
- Chọn các loại cây ít rụng lá để giữ vệ sinh cho mặt hồ, không cần phải dọn vệ sinh thường xuyên.
- Lớp ngăn cách giữa giữa khu vực hồ nước và khu vực trồng cây trong tiểu cảnh phải được thi công cẩn thận, tránh cho các chất và phân bón từ việc trồng cây xâm nhập vào nước gây hại cho cá hoặc các sinh vật khác sống trong hồ.
- Thi công phần thô cho tiểu cảnh cùng lúc nhưng chỉ xả nước và thả cá vào hồ sau khi đã hoàn tất công việc trồng cây.
Các vị trí có thể thi công tiểu cảnh
- Giữa sân vườn: là vị trí thường được chọn khi bạn có một sân vườn rộng, tiểu cảnh sẽ giúp cho khoảng sân đỡ trống trải hơn rất nhiều, đồng thời tránh đi những ánh nhìn hoặc những yếu tố tác động trực tiếp vào mặt tiền của ngôi nhà, tuy nhiên đây chỉ là quan điểm phong thủy cá nhân của một số người.
- Góc vườn: tiểu cảnh ở vị trí này thường được lựa chọn cho những ngôi nhà có diện tích sân khiêm tốn, chủ nhà sẽ xem đó là một khoảng riêng để thực hiện sở thích cá nhân như nuôi cá, trồng cây…
- Hai bên mặt tiền nhà: thi công tiểu cảnh ở đây vừa có tác dụng trang trí cho ngôi nhà, vừa hạn chế ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào nhà mà lại không hạn chế tầm nhìn khi ở bên trong ngôi nhà.
- Giếng trời: cũng dễ hiểu khi đây là một trong những vị trí được ưa thích khi thi công tiểu cảnh, vì nó là vị trí duy nhất trong nhà có thể đón nhận ánh nắng mặt trời. Giếng trời còn là nơi giúp điều hòa không khí của ngôi nhà, do đó việc thi công tiểu cảnh ở đây giúp cho không khí lưu thông thêm phần tươi mát.
Những câu hỏi thường gặp
Có những dạng tiểu cảnh phổ biến được lắp trong nhà như sau: hồ cá, hồ cảnh quan, hòn non bộ, thác nước mini, cụm cây xanh, bức tường cây.
Tùy theo sở thích của mỗi người mà tiểu cảnh được đặt ở vị trí khác nhau như: giữa sân vườn, một góc khu vườn, hai bên mặt tiền của ngôi nhà, khu vực giếng trời.
Tất cả các dạng tiểu cảnh đều phải có khả năng chứa nước, do đó nếu không chống thấm cẩn thận, nước sẽ thất thoát gây lãng phí, đồng thời lan vào trong nhà gây hư hỏng vật dụng và kết cấu nhà.
Có thể tóm tắt các bước thi công tiểu cảnh theo thứ tự sau: xác định kích thước và vị trí thi công tiểu cảnh, xác định dạng tiểu cảnh, xây khung bao, thực hiện chống thấm, lắp đặt hệ thống kỹ thuật (điện, nước), trang trí hoàn thiện.
Tiểu cảnh cây xanh là một dạng sân vườn thu nhỏ mà chúng ta rất dễ bỏ sót mỗi khi tưới, và một số vị trí tiểu cảnh rất khó khăn cho việc tưới nước. Hệ thống tưới tự động sẽ khắc phụ được tất cả vấn đề trên.