Loại hoa hồng để trồng trong vườn

Hoa hồng là loại cây có gai nhỏ và cứng trên thân, lá nhỏ và nhọn, hoa ra quanh năm, thân cây sẽ có dạng leo hoặc đứng thẳng tùy theo chủng loại. Phần lớn các loại hoa hồng có nguồn gốc từ châu Á, kế đến là châu Âu và có một số ít loại ở Bắc Mỹ và Bắc Phi. Hoa hồng được mệnh danh là loài hoa nữ hoàng bởi sắc đẹp, hương thơm và sự đa dạng của mình, có đến hơn 100 loại hồng khác nhau, mỗi loại có một màu sắc và hương thơm khác nhau. Hoa hồng trồng trong vườn thường là những loại hoa như hồng tường vi, hồng tỉ muội, hồng cổ Sapa, hồng vân khôi…

hoa hong trong trong vuon

Tại sao cần trồng hoa hồng đúng cách

Sức hút của hoa hồng lớn đến nỗi cứ 10 khu vườn sẽ có 8 khu vườn được gia chủ trồng hoa hồng. Đa phần mọi người trồng hoa hồng vì yêu thích vẻ đẹp của loài hoa này, vì thế cũng không ít lần rắc rối xảy ra với những ai mới tập chơi hoa hồng. Tuy nhiên cách khắc phục và ngăn ngừa những rắc rối này cũng không khó, trong bài viết này Vina Vườn xin chia sẻ những kinh nghiệm về cách trồng và chăm sóc hoa hồng trong vườn nhà sao cho đúng cách.

Cách trồng và chăm sóc hoa hồng trong vườn

Các bước trồng hoa hồng

Bước 1: Chuẩn bị nguyên vật liệu cần thiết

Dụng cụ: Bao tay, xẻng nhỏ, cuốc (nếu trồng gốc hồng lớn có sẵn), vỉ trồng cây, vải nỉ, kéo lớn, kềm cắt.

Giống hoa hồng: Hạt giống, nhánh hoa hồng hoặc cây con.

Đất trồng: Đất đen hữu cơ, tro trấu, xơ dừa.

Phân bón: Phân bò khô hoặc phân cá dạng hạt.

Vật chứa: Thùng xốp hoặc chậu cây, bồn cây.

Bước 2: Chuẩn bị chậu cây

Chậu cây có thể dùng chậu xi măng, chậu sứ, chậu đất có kích thước từ 30cm trở lên, cũng có thể dùng thùng xốp hoặc bất cứ loại thùng chống nước nào khác có kích thước lớn tương đương. Ngoài ra, chúng ta còn có thể xây bồn cây cao từ 40-50cm để trồng hoa hồng hoặc trồng trực tiếp trên mặt đất.

Tiếp đến là đảm bảo việc thoát nước để cây không bị úng nước, đầu tiên là khoét 1-2 lỗ bên dưới đáy chậu hoặc đáy bồn trồng cây. Lót vỉ trồng cây kín hết đáy chậu rồi phủ vải nỉ lên trên mặt vỉ để lớp đất không ngăn cản đường thoát nước cho cây.

Cuối cùng là trộn đất và phân bón theo tỉ lệ 3:1 và lấp đầy chậu cây. Vì đây là lần bón phân đầu tiên nên sử dụng tỉ lệ lớn để cung cấp nhiều dưỡng chất cho đất, sau này ở mỗi lần bón phân định kỳ sẽ dùng lượng phân bón ít hơn. Nếu bạn không có loại đất trồng sạch mà phải dùng đất thịt có sẵn tại nhà thì nên khử khuẩn cho đất bằng vôi trước khi bắt đầu trộn với phân. Đất sau khi trộn, chúng ta để khoảng 2-3 ngày cho ngấm chất dinh dưỡng là có thể bắt đầu trồng cây được.

Bước 3: Chuẩn bị giống hoa hồng

Có thể trồng hoa hồng từ hạt giống hoặc cây con mua từ các cửa hàng cây cảnh. Đối với hạt giống đóng gói cần phải ngâm ủ để loại bỏ những hóa chất đã nhiễm vào hạt trong quá trình đóng gói. Sử dụng khăn ẩm để bọc hạt giống và giữ ở nơi khô ráo trong vòng 10 ngày, trong khoảng thời gian này cần phải rửa khăn mỗi ngày một lần cho đến khi khi sạch thì ngừng.

Ngoài ra còn có thể trồng bằng phương pháp giâm cành, thực hiện bằng cách cắt một cành hoa hồng khỏe mạnh có tối thiểu là bốn gai rồi ngâm trong dung dịch vitamin B1 để kích rễ. Nếu thấy nhánh cây bắt đầu phát triển rễ ở mặt cắt nghĩa là cây phát triển bình thường và có thể mang đi trồng. 

Bước 4: Trồng hoa hồng trong vườn

Nếu trồng cây con, chúng ta cần tạo một hố nhỏ vừa bằng bầu đất của cây con, và đặt chúng vào chậu cây rồi giữ cố định. Nếu trồng từ hạt giống thì chỉ cần gạt lớp đất trên mặt rồi rải đều hạt giống trong chậu để chúng có không gian phát triển. Đối với trường hợp trồng bằng phương pháp giâm cành, chúng ta nên sử dụng một que nhỏ để cố định nhánh cây vừa trồng, vì lúc này cây chưa đâm rễ nên rất khó đứng vững trong chậu. Nếu giống bạn trồng là hoa hồng bụi thì phải chú ý khoảng cách đặt chậu là 1m để tạo không gian cho các nhánh cây phát triển về sau. Nếu bạn trồng loại hồng leo thì phải đặt gần vách tường hoặc các khung giàn để cây có thể bám vào và phát triển, nếu không sẽ rất dễ bật gốc nếu cây bò tràn lan trên đất.

hoa hong trong o ban cong
Ban công sẽ rất tươi mát nếu được trang trí vài chậu hoa hồng

Những lưu ý khi chăm sóc hoa hồng trồng trong vườn

Ánh sáng

Cũng như các loại cây thông thường, hoa hồng rất cần nắng để quang hợp và phát triển tốt, mỗi ngày hoa hồng cần phơi nắng tối thiểu 6 tiếng. Tuy nhiên nắng quá gắt cũng sẽ làm cho lá dễ bị cháy nắng và vàng vọt, vì thế nên cần phải che chắn bằng lưới xung quanh thân cây trong khoảng thời gian mới trồng. Khi cây bắt đầu lớn và quen dần với thời tiết thì có thể tháo bỏ lớp lưới che nắng.

Tưới nước

Hoa hồng cần được tưới 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và chiều, nên tưới cây vào những giờ không có nắng gắt và trước khi mặt trời lặn. Vào mùa mưa cần phải giảm bớt lượng nước tưới để cây không bị ngập úng, đồng thời kiểm tra thường xuyên vị trí thoát nước của chậu cây và đảm bảo chúng luôn hoạt động tốt. Việc lắp đặt hệ thống tưới cây tự động sẽ hỗ trợ rất nhiều cho gia chủ, vì chỉ cần quên tưới một ngày thì vườn hồng sẽ xuống sắc rõ rệt, nhất là ở những khu vực nắng gắt như sân thượng. Ngoài việc tưới gốc cây, hoa hồng thỉnh thoảng cũng cần được tưới rửa lá để tẩy bớt sâu bệnh và nấm bệnh làm hại cây.

Bón phân

Đợt bón phân đầu tiên sẽ diễn ra vào khoảng 1 tháng sau khi bắt đầu trồng cây, ngoài phân bò khô và phân cá cũng có thể sử dụng các loại phân hữu cơ khác như phân gà, phân trùn quế. Phân sẽ được bón theo vòng tròn, cách đều gốc cây từ 20-30cm, không bón phân quá gần cây sẽ dễ gây nóng gốc. Lần đầu tiên chúng ta bón khoảng 200gr phân, khi cây lớn sẽ tăng liều lượng lên dần. Bên cạnh việc bón phân, cũng cần phải kết hợp phun vitamin B1 cho cây để kích thích rễ phát triển, phun thuốc ngừa nấm bệnh cho lá, những phần việc này nên làm định kỳ mỗi tháng 1 lần.

Tỉa cành

Thường xuyên cắt tỉa các nhánh cây khô, cành cây bị bệnh hoặc chết, không thể phát triển để dưỡng chất mà cây hấp thu được sẽ tập trung vào các phần khỏe mạnh trên cây. Sau khi hoa tàn cũng nên cắt bỏ sớm để cây đâm ra chồi mới, cho ra lứa hoa mới sớm hơn.

hoa hong trong tren tuong nha
Hoa hồng trồng trên tường nhà

Các bệnh thường gặp trên hoa hồng và cách chữa trị

Bệnh do nấm

Bệnh gỉ sắt

Bệnh này tạo ra các đốm vàng trên lá cây, sau đó các đốm này sẽ u lên chuyển dần thành màu đen, đến một lúc nào đó các đốm đen này sẽ vỡ ra và phát tán các hạt li ti màu gỉ sắt và bám lên thân cây. Khi bệnh nặng dần lá cây sẽ trở nên héo úa nhanh chóng và rụng dần, thân cây trở nên xơ xác, còi cọc, kém phát triển, thiếu sức sống và mất thẩm mỹ.

Bệnh gỉ sắt do nấm Phragmidium mucronatum gây ra, để chữa trị đầu tiên cần cắt bỏ những lá đang nhiễm bệnh, dọn sạch cây dại dưới gốc cây sau đó phun thuốc Hexaconazole theo liều lượng khuyến cáo đính kèm.

Bệnh đốm đen

Bệnh đốm đen tạo ra các mảng màu xám có viền đen với bề rộng khoảng 10mm-15mm trên cả 2 mặt của lá hoa hồng. Bệnh này do nấm Diplocarpon rosae gây ra, có thể diệt trừ bằng một trong các thuốc sau: Có thể dùng một trong các thuốc sau: Carbendazim (Carbenzim 500 FL), Cucuminoid (Stifano 5.5 SL), Hexaconazole (Anvil 5SC, Tungvil5SC), Imibenconazole (Manage 5 WP), Triforine (Saprol 190 DC).

Bệnh thán thư

Khi mắc bệnh này, trên mặt lá hoa hồng sẽ xuất hiện những chấm nhỏ li ti có viền màu nâu, bên trong có màu đen và giữa tâm có màu xám bạc, bệnh bắt đầu lây lan từ chóp lá, mép lá và phát triển dần vào bên trong. Hoa hồng trồng trong vườn sẽ dần dần bị đục thủng lá, đen thân khi mắc bệnh thán thư. Tác nhân gây bệnh là nấm Colletotrichum gloeosporioides và Cephaleuros virescens, có thể dùng thuốc Hexaconazole (Anvil 5SC, Dibazole 10SL) để chữa căn bệnh này.

Bệnh do côn trùng

Nhện đỏ

Tên tiếng anh là loài này là Tetranychus urticae, thường ẩn nấp ở mặt dưới của lá hoa hồng để hút chất dinh dưỡng, khiến lá xuất hiện những vệt màu vàng nhạt, lâu ngày những vết này lan rộng ra và biến đổi lá thành màu nâu gây rụng lá. Để phòng ngừa nhện đỏ cần phải thường xuyên xịt rửa bên dưới lá để đánh bay chúng trước khi làm tổ. Nếu mật độ nhện quá dày thì cần phải phun các loại thuốc sau để tiêu diệt triệt để: Azadirachtin (Agiaza 4.5EC); Dầu hạt bông 40% + dầu đinh hương 20% + dầu tỏi 10% (GC – Mite 70DD); Emamectin benzoate (Map Winer 5WG; Tasieu 1.0 EC, 3.6 EC); Emamectin benzoate + Matrine (Rholam super 12EC); Fenpyroximate (Ortus 5SC); Fenpropathrin (Vimite 10EC), Milbemectin (Benknock 1 EC).

Bọ trĩ 

Bọ trĩ có tên khoa học là Stenchaetothrips biformis là loài bọ chuyên hút nhựa trên lá cà thân cây để sống, ngoài hoa hồng ra chúng còn tấn công lúa, bắp, mía và các cây họ đậu. Khi hoa hồng trồng trong vườn bị bọ trĩ xâm hại sẽ xuất hiện các đọt lá xoăn, nụ hoa bị thâm đen không nở được, cành cây thì khô héo do mất chất dinh dưỡng. Để chữa trị và phòng ngừa bọ trĩ cần sử dụng các loại thuốc sau: Emamectin benzoate (Susupes 1.9 EC); Imidacloprid + Pyridaben (Hapmisu 20EC); Spinetoram (Radiant 60EC) phun liên tục trong vòng 3 ngày vào các lá có dấu hiệu bệnh sau đó phun định kỳ 3 tuần/ lần để phòng ngừa bọ trĩ quay lại. 

Bệnh xoăn lá

Bệnh xoăn lá do rầy Aphids gây ra, hiện tượng tương tự như nhện đỏ nhưng các vệt vàng trên lá không xuất hiện ngẫu nhiên mà phát triển từ các đường gân lá ra xung quanh. Khi bệnh nặng thì lá hoa hồng sẽ bị xoăn lại, mép lá nhăn nheo và bắt đầu rụng. 

hoa hong trong o bon cay
Bồn cây hoa hồng

Các bệnh khác

Bệnh vàng lá

Đây là một căn bệnh rất phổ biến không chỉ xuất hiện ở hoa hồng mà còn ở đa số các loại cây trồng khác, triệu chứng của bệnh này rất dễ nhận biết, lá sẽ bị vàng dần từ cuốn lá ra đến chóp lá. Nguyên nhân của bệnh vàng lá là do một trong các nguyên nhân sau: dư kiềm, thiếu vitamin B1, thiếu sắt, úng nước. Để khắc phục tình trạng này cần cải tạo lại đất trồng. Nếu dư kiềm thì cần trộn vào đất các loại phân bón có chứa axit như Alanin và Arginine để trung hòa. Nếu thiếu vitamin B1 có thể pha loãng các dung dịch chứa vitamin B1 và phun định kỳ 7-10 ngày/lần cho cây. Nếu thiếu sắt thì phun cho cây bằng dung dịch EDDHA dạng nước – (tối đa 0,1 gram mỗi lít) hoặc chelate EDTA (tối đa 0,5 gram mỗi lít). Trường hợp cây bị úng nước nên kiểm tra hệ thống thoát nước có bị tắc nghẽn không và giảm bớt lượng nước tưới hằng ngày.

Bệnh cháy lá

Bệnh cháy lá là do cây không được cung cấp đủ nước và chịu cái nắng gay gắt trong thời gian dài, lúc này lá cây hoa hồng sẽ chuyển dần từ màu xanh sang vàng nâu, lan dần từ mép lá vào trong cuốn và rụng hẳn. Để khắc phục tình trạng cháy lá cần mang cây hoa hồng đến những vị trí mát mẻ hơn trong vườn, hoặc bố trí lưới che xung quanh cây, đồng thời tưới nước đều đặn cho cây hằng ngày.

Những câu hỏi thường gặp

Mỗi ngày hoa hồng trồng trong vườn cần tưới bao nhiêu lít nước?

Hoa hồng khi mới trồng chỉ cần tưới khoảng 500ml nước mỗi ngày, khi bắt cây ra hoa cần tăng cường lượng nước lên 1 lít mỗi ngày và sẽ tăng dần theo độ lớn của cây.

Nếu vườn hồng ở hướng Đông hoặc Tây, chỉ có nắng vào buổi sáng hoặc buổi chiều thì có đủ cho cây không?

Khi mặt trời chưa mọc hoặc chưa lặn hẳn thì vẫn có một lượng nắng ít cho cây, nên chỉ trong vòng buổi sáng hoặc chiều là đủ 6 giờ nắng cho cây phát triển.

Có thể tự lai giống hoa hồng tại nhà hay không?

Có một số cách lai giống hoa hồng đơn giản có thể tự thực hiện tại nhà như cho cây thụ phấn nhân tạo hoặc chiết cành, tuy nhiên khả năng thành công sẽ không quá cao.