Ớt chuông là loại cây gì?

Ớt chuông còn được gọi là ớt ngọt vì chúng không có vị cay mà khi nấu chín còn tiết ra vị ngọt. Có thể xếp ớt chuông vào họ rau củ hay cây ăn quả đều được. Kích thước của ớt chuông to hơn rất nhiều so với các loại ớt thông thường, ruột và hạt ớt cũng có thể ăn được tuy nhiên có vị nhẫn nên không được ưa chuộng bằng lớp bên ngoài. Ớt chuông có ba màu sắc chính là đỏ, vàng, xanh. Ở những vùng lạnh như Bắc Âu, Bắc Mỹ, người ta còn lai tạo ra các màu sắc khắc như tím, nâu, trắng… Bên cạnh đó, ớt chuông còn có hàm lượng dinh dưỡng cao, chính vì những nguyên nhân kể trên nên loại quả này được sử dụng rất phổ biến trong các món ăn. Cách trồng ớt chuông không quá phức tạp, Vina Vườn sẽ hướng dẫn cho các bạn một cách kỹ lưỡng.

Cach trong ot chuong

Cách trồng ớt chuông

Bước 1: Chuẩn bị những vật dụng cần thiết

  • Chậu cây: Sử dụng loại chậu sâu tối thiểu 30cm, đường kính 30cm để có đủ không gian cho ớt chuông phát triển. Chọn chậu có màu sáng, ít hấp thụ nhiệt từ ánh nắng mặt trời để làm mát chậu. Lưu ý thoát nước cho chậu cây để không bị ngập úng.
  • Đất trồng: Chọn những loại đất tơi xốp, trong thành phần có đất thịt tự nhiên cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho ớt chuông, không kèm quá nhiều mùn cưa, xơ dừa sẽ không giữ được độ ẩm lâu cho đất.
  • Hạt giống: Có thể lựa chọn từ hai nguồn là hạt đóng gói hoặc lấy trực tiếp từ trái. Hạt đóng gói sẽ cho cây con khỏe nhưng khó nảy mầm hơn hạt lấy từ trái.
  • Phân bón: Dùng phân bò và phân trùn quế. Những loại phân từ động vật này sẽ tốt cho cây hơn phân hóa học.
  • Dụng cụ: Bao tay, bay xúc đất.

Bước 2: Xử lý hạt ớt chuông giống

Hạt ớt chuông lấy từ trái có thể trồng trực tiếp còn loại hạt đóng gói phải thực hiện ủ trong khăn ẩm, cụ thể như sau:

  • Dùng một khăn ướt, sạch cuộn khoảng 10 hạt giống vào bên trong và vắt hết nước, lưu ý nước trong khăn chỉ vừa đủ ẩm để hạt không bị úng. 
  • Đặt khăn vào khay dĩa, hoặc chén (những vật chứa có bề mặt rộng và thoáng), bắt đầu quá trình ủ ở nơi khô ráo, tránh mưa và nắng.
  • Trong vòng ba ngày đầu tiên phải giặt khăn hằng ngày cho sạch hết những hóa chất tiết ra từ bên trong hạt đóng gói.
  • Kể từ ngày thứ 4 không cần giặt nữa nếu thấy khăn vẫn sạch, cứ như thế ủ khoảng 8-12 ngày cho đến khi thấy hạt bắt đầu ra mầm.

Bước 3: Trộn đất trồng

Đổ đất trồng vào ½ chậu, lớp đất thịt đặt dưới cùng. Nếu không có đất thịt thì đất tơi xốp nên được ép mạnh tay hơn một chút để giữ nước và phân bên trong chậu không bị trôi mỗi lần tưới nước. Kế lớp đất trồng là lớp mùn cưa hoặc xơ dừa để thoáng khí và trên cùng là phân bò khô hoặc phân trùn quế.

Bước 4: Bắt đầu trồng cây ớt chuông

Đầu tiên là rưới nước vào chậu đất cho đất xẹp, mục đích là để tạo độ ẩm ban đầu đồng thời hạ nhiệt được sinh ra bởi các loại phân bón. Đối với hạt giống lấy từ trái có thể bỏ qua lớp xơ dừa và trồng trực tiếp vào đất bên dưới, còn hạt đóng gói thì phải vùi vào bên trong xơ dừa để hạt dễ sinh trưởng và bám rễ.

cach trong cay ot chuong

Kỹ thuật chăm sóc ớt chuông

Sau khi đã biết cách trồng cây ớt chuông, tiếp theo Vina Vườn sẽ hướng dẫn cho các bạn một số kỹ thuật chăm sóc cây:

  • Sau khi gieo hạt phải tưới nước cho chậu ớt chuông hằng ngày, mỗi ngày từ 500ml – 1L nước. Lưu ý không để cho chậu quá khô, độ ẩm phải duy trì từ 75% – 80%, nước cũng không được quá nhiều, không được ngập đến phần rễ cây sẽ dễ gây úng rễ và chết cây.
  • Khi mới trồng, cây con rất yếu, cần được trồng trong mát. Phải luôn giữ cho cây ở nhiệt độ vừa phải, tốt nhất là sử dụng lưới che để giảm nhiệt độ vì cây cũng cần hấp thụ ánh nắng mặt trời.
  • Chế độ bón phân cho cây ớt chuông được bắt đầu sau 12 ngày, đợt bón thứ hai cách đợt thứ nhất 15 ngày, đợt thứ ba là sau đó 20 ngày. Mỗi lần chỉ rải một lớp phân mỏng và rưới nước ngay cho phân ngấm vào đất, tránh việc bón quá nhiều gây nóng rễ cây. Sau đợt bón phân thứ ba thì có thể đợi đến ngày ớt chín (khoảng 60 – 69 ngày).
  • Cuối cùng là công tác cắt tỉa và dọn cỏ cho chậu cây, mục đích chính là để cây được hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng nhất, không để lãng phí nước và phân nuôi các loại cỏ và cành nhánh èo uột trên cây. Khi cây con đạt được độ cao 10cm thì có thể bắt đầu tỉa bớt những cành nhánh kém phát triển để có thể tập trung vào nuôi thân cây và nhánh chính. Khi độ cao lên đến 20 cm thì có thể tỉa bớt lá để chất dinh dưỡng sử dụng vào việc ra hoa kết trái.
Hat ot chuong

Công dụng của ớt chuông

  • Ớt chuông mang trong mình rất nhiều chất dinh dưỡng như chất xơ tốt cho tiêu hóa, vitamin A và C tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt, chất chống oxy hóa ngăn ngừa sự lão hóa, bảo vệ mạch máu và giảm khả năng tạo khối u trong cơ thể. Theo một nghiên cứu gần đây, ớt chuông có khả năng ức chế tế bào thần kinh sản xuất dopamine vì thế làm giảm nguy cơ phát triển bệnh Parkinson.
  • Vị cay trong ớt chuông không nhiều nên vừa có tác dụng đốt cháy chất béo trong cơ thể mà không gây hại đến dạ dày, vì thế loại trái này được sử dụng rất nhiều trong chế độ ăn kiêng, giảm cân.
  • Lượng vitamin C mà ớt chuông cung cấp còn có tác dụng chống lại bệnh viêm khớp.
  • Và đặc biệt là ớt chuông còn có thể chế biến ra rất nhiều món ăn ngon, bổ, rẻ.

Những câu hỏi thường gặp

Ớt chuông có xung khắc với loại thức ăn nào không?

Ớt chuông không có những thành phần đặc biệt nên hầu như không bị xung khắc với các loại thực phẩm khác.

Có thể bón cho ớt chuông các loại phân từ xác thực vật không?

Phân từ xác thực vật vẫn có thể bón cho ớt chuông nhưng nên ủ đúng cách trước khi sử dụng để có hiệu quả cao nhất.

Trồng ớt chuông bao lâu thì có thể thu hoạch lứa đầu tiên?

Ớt chuông là loại cây ngắn ngày nên có thể thu hoạch vào khoảng tháng thứ 3 từ khi bắt đầu trồng.