Nguồn gốc của cây dừa cạn
Cây dừa cạn thuộc họ Apocynaceae, chi Catharanthus, một số tên khoa học thường thấy của họ cây này là Vinca rosea, Ammocallis rosea, Lochnera rosea, Catharanthus roseus.
Cây dừa cạn thường có mặt trong các bài thuốc nam quý, chúng ta có thể biết đến loài cây này thông qua các tên phổ biến như hải đằng, trường xuân hoa, dương giác. Nơi xuất hiện đầu tiên của loại cây này là từ quần đảo Madagascar nằm phía đông Châu Phi, sau đó dần dần được du nhập và trồng nhiều ở Ấn Độ, Brasil, Indonesia, Việt Nam…
Đặc điểm nhận dạng
Dừa cạn thuộc nhóm các loại cây thân thảo, mọc theo bụi với chiều cao tối đa lên đến 100cm mỗi cây. Hoa dừa cạn có năm cánh xòe ngang và không có chiều sâu, tim hoa màu trắng, cánh hoa có các màu phổ biến như hồng, tím, đỏ. Màu của hoa dừa cạn phụ thuộc vào chủng loại như hoa dừa cạn phong thủy, hoa dừa cạn rủ, hoa dừa cạn đứng.
Lá cây dừa cạn thuộc dạng trơn (không lông), đầu lá hơi nhọn so với cây dừa nước, màu xanh không đậm, thịt lá mỏng nhưng cứng, có hình oval với kích thước chiều dài khoảng 9cm, chiều rộng khoảng 3cm.
Cây dừa cạn cũng có quả nhưng không ăn được, chủ yếu dùng để gieo trồng vì số lượng hạt trong quả lên đến 20 hạt. Quả cây dừa cạn có hình tròn dẹp, chỉ rộng khoảng 3mm nhưng dài từ 3cm, khi còn non có màu xanh nhạt, về già thì nâu đen.
Cách trồng cây hoa dừa cạn
Khả năng nảy mầm từ hạt của cây hoa dừa cạn rất cao. Tuy nhiên thân của cây hoa dừa cạn là dạng thân thảo, khó đứng vững nên giữa hai phương pháp trồng là bằng hạt và bằng nhánh thì cách đầu tiên được áp dụng phổ biến hơn.
Nếu sử dụng hạt giống hoa dừa cạn đóng gói thì trước khi trồng phải tiến hành rửa sạch và ủ trong khăn ướt từ 3 đến 5 ngày để làm sạch một số hóa chất có thể có trong quá trình sản xuất. Đất trồng cũng cần được xử lý bằng vôi để khử khuẩn, sau đó trộn thêm với xơ dừa hoặc tro trấu để làm tăng độ xốp và thoáng khí cho đất. Lấy một phần hỗn hợp đất vừa đủ cho vào một cốc nhỏ đã được tạo lỗ thoát nước dưới đáy và chôn vào đó khoảng 10 hạt của cây hoa dừa cạn. Tiếp tục tưới nước thường xuyên hằng ngày cho đến khi hạt nảy mầm và cây con cao khoảng 10cm thì có thể mang ra trồng ở chậu lớn hơn.
Cách chăm sóc
Đặt cây dừa cạn mới trồng ở vị trí có nắng và thoáng gió nhưng không được để cho cây chịu ánh nắng trực tiếp trên 5 tiếng đồng hồ mỗi ngày, cây sẽ dễ héo, lá vàng và thân khó phát triển tốt.
Là một loại cây có thể mọc dại nên khả năng sinh trưởng và phát triển của cây dừa cạn khá tốt, không cần cung cấp cho cây quá nhiều các loại chất như ure, kali, đạm… mà chỉ cần sử dụng các loại phân cá phổ biến trên thị trường. Liều lượng bón phân có thể tham khảo trên bao bì sản phẩm và tùy thuộc vào độ lớn của cây, thời gian bón phân khoảng 3 tuần 1 lần. Ngoài ra, chúng ta có thể dùng thêm các sản phẩm cung cấp B1 để kích thích cây phát triển tốt và nhanh hơn nhưng không bắt buộc.
Chế độ tưới nước cho cây cũng cần phải lưu ý, chỉ tưới cây vào các giờ mát trong ngày như sáng sớm hoặc chiều tối, tránh tưới vào giờ trưa nắng gắt sẽ có thể làm cây bị sốc nhiệt. Cũng như đa số các loại cây khác, cây dừa cạn sẽ phát triển không tốt khi được tưới quá nhiều nước, vì thế nên dùng một trong hai cách tưới là phun sương hoặc nhỏ giọt để hạn chế và kiểm soát được lượng nước tưới. Việc lắp đặt hệ thống tưới cây tự động cũng rất hiệu quả, thời điểm và liều lượng tưới được thực hiện đều đặn hằng ngày, giúp cây phát triển tốt hơn mà không cần phải bỏ ra quá nhiều thời gian, công sức.
Đặc tính y học
Thành phần dược liệu
Thành phần chiết xuất của cây dừa cạn có rất nhiều alkaloid bao gồm các loại: vinblastin, pirinin, vindolinin, vindolin, vincristin, tetrahydroalstonin, catharanthin, ajmalicin… Mỗi loại có những công dụng cụ thể về mặt y học cụ thể như sau:
- Vincristin, vinblastin có tác dụng đáng kể cho việc ức chế tế bào hoặc sự phân bào sau khi được tách chiết cẩn thận, vì thế chúng giảm thiểu được việc sản xuất những bạch cầu không cần thiết ở bệnh nhân ung thư máu. Thân và lá của cây dừa cạn khi dùng có khả năng lọc máu và căng da đồng thời hiện nay trên thế giới vẫn chưa tìm ra cách tốt hơn để điều trị các bệnh về bạch cầu nên chiết xuất dừa cạn càng trở nên quý với bệnh nhân ung thư máu. Tuy nhiên vincristin lại không tốt cho thai nhi nên phải cẩn thận khi sử dụng hợp chất này.
- Catharanthin, vindolinin và vindolidin có hiệu quả tốt trong việc tẩy giun và lợi tiểu.
- Hàm lượng vincaleu-coblastin bên trong ancaloit toàn phần có tác dụng trong việc chữa trị các khối u, do vậy nhu cầu mua bán và sử dụng cây dừa cạn vẫn đang tăng cao đến thời điểm hiện tại.
Công dụng lâm sàng của cây dừa cạn
- Điều trị tăng huyết áp bằng cách kết hợp với lá đinh lăng, cỏ xước, hoa hòe, chi tử, đỗ trọng, cam thảo đất.
- Điều trị lỵ trực trùng (đau bụng nhiều ngày liền do vi khuẩn): sử dụng cây dừa cạn, lá đinh lăng, cỏ mực, cỏ sữa, chi tử, rau má, lá khổ sâm, hoàng liên.
- Giã nát dừa cạn và đắp lên chỗ bỏng có thể giúp làm dịu cơn đau, làm mát và tránh bị sưng to.
- Sử dụng cây dừa cạn kết hợp với cây xạ đen có thể giúp bệnh nhân ung thư thuyên giảm các triệu chứng ác tính.
- Điều trị bệnh trĩ: sử dụng dừa cạn, phòng sâm, trần bì, đương quy, thăng ma, cỏ mực, bạch truật, hoàng kỳ, cam thảo và sài hồ.
- Dừa cạn (phơi khô), hồng hoa, nga truật, chỉ xác, tô mộc, huyết đằng, trạch lan và hương phụ có thể điều trị bế kinh.
- Chứng tiêu khát (hay khát nước và đi tiểu nhiều) có thể điều trị bằng hai sự kết hợp: Dừa cạn, thạch hộc, cát căn, hoài sơn, đan bì, sơn thù, khiếm thực, ngũ vị, khởi tử. Hoặc cây dây thìa canh kết hợp với cây dừa cạn.
- Dừa cạn, chi tử, cam thảo đất, bạch linh, thổ linh, kinh giới, hạ khô thảo và nam tục đoạn cũng có thể chữa trị chứng zona.